Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Các định nghĩa mới của ngành y tế và chỉ đạo của UBND huyện Đại Từ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19!

2022-01-07 10:49:00.0

Ngày 07/1/2022, trước tình hình bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, để chủ động trong công tác phòng chống dịch, trên cơ sở các công văn của ngành y tế, UBND huyện Đại Từ đã ban hành Công văn số 38/UBND-YT về việc thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo trong phòng chống dịch Covid-19, nội dung cụ thể như sau:

Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ; trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đại Từ yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các chỉ đạo đồng thời trong tâm các nội dung sau:

          1. Định nghĩa người mắc và liên quan đến Covid-19: (Công văn số 11042/BYT-DP, ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế; Công văn 6312/SYT-NVY, ngày 31/12/2021)

1.1. Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp sau:

a) Là người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng sau đây: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

b) Là người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên.

Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) là:

- Người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học… với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền.

- Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.

c) Là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trừ trường hợp nêu tại điểm b, c và d mục 1.2 công văn này).

1.2. Ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp sau:

a) Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (PCR).

b) Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

c) Là người có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19 (ca bệnh nghi ngờ tại điểm a mục 1 công văn này) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

d) Là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

1.3. Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:

- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính).

2. Áp dụng biện pháp cách ly y tế:

2.1. Áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với người tiếp xúc gần (F1) với người nhiễm COVID-19 (F0);

2.1.1. Những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 06 tháng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19): Thực hiện cách ly y tế 07 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu nơi ở/nơi lưu trú đủ điều kiện thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế), tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 07 ngày tiếp theo, hạn chế tiếp xúc đông người và thực hiện nghiêm 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 02 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7); nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế trên địa bàn để kịp thời theo dõi và xử trí theo quy định.

2.1.2. Những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 và những người không đủ điều kiện tại mục 2.1: Thực hiện cách ly y tế 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu nơi ở/nơi lưu trú đủ điều kiện thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày tiếp theo, hạn chế tiếp xúc đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 03 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7 và lần 3 vào ngày thứ 14); nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế trên địa bàn để kịp thời theo dõi và xử trí theo quy định.

2.2. Áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với các trường hợp F2, F3, F4:

- Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) (xác định theo quy định tại Mục 1.4 Phần II Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế): Áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú chờ kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR của F1:

+ Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR của F1 vào ngày thứ nhất âm tính với SARS-CoV-2 thì F2 kết thúc việc cách ly tại nhà và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, luôn thực hiện 5K, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngày cho cơ quan y tế và Tổ COVID cộng đồng.

+ Nếu kết quả xét nghiệm của F1 dương tính thì F2 chuyển thành F1 và thực hiện cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

- Các trường hợp F3, F4 trở lên: Không áp dụng cách ly y tế, nhưng hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tự theo dõi sức khỏe nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì thông báo cho cở y tế gần nhất.

2.3 Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà/nới lưu trú (Theo công văn 5473/HD-SYT, ngày 28/11/2021 của Sở y tế)

2.3.1. Yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Là nhà ở riêng lẻ, không liên thông với các nhà khác.

- Trước cửa nhà có biển cảnh báo; có thùng màu vàng để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ.

- Trường hợp có người không thuộc đối tượng F1 ở cùng nhà/nơi lưu trú, yêu cầu “Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình” để cách ly y tế đối với trường hợp F1.

- Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn. Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.

+ Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải...

+ Không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ.

+ Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt.

+ Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 02 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.

- Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, quần, áo, kính bảo hộ) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly.

- Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

2.3.2. Yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú

- Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương.

- Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi.

- Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

- Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng PC-Covid trong suốt thời gian cách ly.

- Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng PC-Covid. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng PC-Covid và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly.

- Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt… với người khác.

- Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày.

- Phân loại chất thải theo hướng dẫn.

- Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.

- Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 03 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly.

- Nếu không tuân thủ các quy định về việc cách ly tại nhà sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc cách ly tập trung và nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2.3.3. Yêu cầu đối với người ở cùng nhà/nơi lưu trú

- Có cam kết với chính quyền địa phương và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly.

- Không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở cùng nhà với người cách ly.

- Không tiếp xúc với người cách ly, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện Thông điệp 5K và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.

- Nếu trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần phải có người chăm sóc, hỗ trợ thì cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương.

- Hàng ngày, cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết riêng cho người cách ly.

- Báo ngay cho cán bộ y tế khi người cách ly tự ý rời khỏi nhà hoặc có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở...

- Thu gom chất thải từ phòng cách ly theo hướng dẫn.

- Không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly y tế (trừ người ở cùng nhà, nhân viên y tế và người có thẩm quyền giám sát cách ly y tế).

- Tự theo dõi sức khỏe. Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế.

- Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nhà ở hàng ngày.

- Tất cả người ở cùng nhà trong thời gian cách ly F1 phải được lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 03 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi người cách ly bắt đầu cách ly (trừ người ở cùng nhà đã chuyển đi ở nơi khác trước đó), sắp xếp một khu vực trong nhà để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm và giám sát y tế khi có yêu cầu.

- Trường hợp có người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly thì người chăm sóc, hỗ trợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo thời gian và số lần xét nghiệm giống như người cách ly.

3. Đối với người đến/trở về địa phương và hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ (Công văn 5066/UBND-KGVX, ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh TN)

3.1. Quy định đối với người từ các địa bàn, cấp độ dịch khác nhau vào tỉnh Thái Nguyên

3.1.1. Yêu cầu chung khi vào tỉnh: Tất cả người dân phải thực hiện khai báo y tế với chính quyền địa phương và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không khai báo và khai báo y tế không trung thực.

3.1.2. Đối với người từ vùng được đánh giá nguy cơ cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3

­- Thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, không áp dụng biện pháp cách ly và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi ra, vào tỉnh.

- Tự theo dõi sức khỏe; trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (gồm các triệu chứng: sốt, ho, khó thở...) phải thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định và áp dụng biện pháp cách ly phù hợp.

- Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

3.1.3. Đối với người từ vùng được đánh giá nguy cơ cấp độ 4 và vùng đang thực hiện cách ly y tế, vùng (phong tỏa), người tiếp xúc gần (F1)

- Trường hợp người đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng: Thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 07 ngày kể từ khi vào tỉnh Thái Nguyên; lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên, thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

- Trường hợp người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19: Thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 07 ngày và tiếp tục theo dõi sức khỏe 07 ngày tiếp theo kể từ khi vào tỉnh Thái Nguyên; lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên, ngày thứ 07; thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

- Trường hợp người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19: Thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; thực hiện cách ly 14 ngày tập trung và tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo; lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên, ngày thứ 07 và ngày thứ 14 kể từ khi về đến địa phương; thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

- Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi: Thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc, cách ly cùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Trường hợp đi công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền: Thực hiện theo Công văn số 6386/BYT-MT ngày 06/8/2021 của Bộ Y tế.

3.2 Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

+ 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phải tạo mã QR điểm khai báo y tế để quản lý thông tin khách hàng và phục vụ công tác truy vết khi cần thiết;

+ Duy trì việc xét nghiệm định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp bằng phương pháp Realtime-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 theo quy định tại Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 của Bộ Y tế.

+ Chỉ tuyển dụng người lao động từ vùng được đánh giá nguy cơ cấp độ 1, cấp độ 2 vào làm việc tại tỉnh và phải đảm bảo tuân thủ yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động trước khi vào tỉnh, bố trí xe đưa đón đảm bảo nguyên tắc “1 cung đường 2 điểm đến”, chi trả mọi chi phí đưa đón, xét nghiệm và các chi phí liên quan khác theo quy định.

4. Quy định mức xử phạt vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19 (Công văn 903/STP-PB&TDTHPL, ngày 29/7/2021)

4.1. người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài khi không cần thiết bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng.

4.2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền đến 1.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền đến 2.000.000 đồng.

4.3. Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh COVID-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh COVID-19 thì bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng.

4.4. Người nào không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19 thì bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng.

4.5. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch thì bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, 40.000.000 đồng đối với tổ chức.

4.6. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 thì bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, 40.000.000 đồng đối với tổ chức.

4.7. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bệnh Covid-19 bị phạt tiền đến 30.000.000 đồng.

4.8. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng..., trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

4.9. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm 3 công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.10. Người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.11. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 15.000.000 đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.12. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 7 năm.

4.13. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.14. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước 4 có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 15 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.15. Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4.16. Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

         Uỷ ban nhân dân huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai, thực hiện./.

TV. Thắng!
( Nguồn: UBND huyện Đại Từ)

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 300106